Những cảnh “ma” để phim hoạt họa còn “thở”
Trong bài phỏng vấn Lý An, nhà phê bình phim quá cố Roger Ebert
đã khai thác được nhiều thông tin bổ ích và thú vị. Nhưng Roger còn có
nhiều bài phỏng vấn hay nữa, vừa đi sâu vào phim, vừa nhẹ nhàng, dĩ
nhiên là không có những câu hỏi ngu ngơ khoe mẽ. Sau đây là một bài
phỏng vấn rất hay của Roger, mà bất cứ ai yêu vẽ, yêu phim hoạt hình
cũng sẽ thích.
*
![]() |
Một cảnh trong phim Ponyo của Miyazaki |
“Tôi yêu phim của ông. Tôi tham khảo phim của ông. Tôi xem phim của ông khi đi tìm nguồn cảm hứng”.
John Lasseter, đạo diễn của “Câu chuyện đồ chơi” và “Đời sâu bọ”, nói về Hayao Miyazaki.
Những nhà làm phim hoạt hình khác cũng đồng ý rằng người đàn ông ít nói
với mớ tóc xám đến từ Nhật có lẽ là đạo diễn phim hoạt hình giỏi nhất
trong lịch sử từ trước đến giờ. Phim của ông hay đến nỗi nó buộc bạn
phải suy nghĩ lại cách bạn tiếp cận phim hoạt hình.
![]() |
John Lasseter (trái) và Miyazaki |
Lasseter (người sáng lập ra hãng Pixar) là một trong những đạo diễn
hoạt hình thành công nhất Hollywood. Việc anh chịu bỏ thời gian để đích
thân chăm chút cho “Spirited Away”
khi Disney phát hành nó ở Mỹ chính là món quà để tỏ lòng kính trọng với
nghệ sĩ lớn tuổi này của Nhật. Lasseter cũng đạo diễn luôn phần
soundtrack tiếng Anh cho Spirited Away, anh đi cùng Miyazaki đến Liên hoan phim Toronto.
“Lần đầu Spirited Away được chiếu ở ngoài nước Nhật là tại (rạp mini) của hãng hoạt hình Pixar,” Lasseter nói, “sự
tuyệt vời của nó khiến tôi kinh ngạc. Bắc Mỹ chưa có dịp khám phá phim
Miyazaki. Trong cộng đồng hoạt hình, ông là một người hùng, ông cũng là
người hùng của tôi.”
![]() |
Một cảnh của “Spirited Away”. |
Miyazaki cùng cộng sự ở hãng Ghibli, ông Isao Takahata (từng làm “Grave of the fireflies”, “Only yesterday”…), đã tạo nên những tác phẩm rất nghệ thuật và sâu sắc; “Công chúa Mononoke” là một trong những phim hay nhất năm 1999. Spirited Away thì thắng giải Gấu vàng Berlin, vượt doanh thu của Titanic ở Nhật, và là tác phẩm đầu tiên trong lịch sử thu về hơn 200 triệu đô trước khi chiếu ở Bắc Mỹ.
Bộ phim mới này
có lẽ là phim hay nhất của ông, kể về một cô bé 10 tuổi, bé cùng bố mẹ
đi lạc vào một đường hầm ở trong rừng, và phát hiện thấy một khu vui
chơi bỏ hoang. Với cô bé, mọi sự bỗng chốc trở thành một chuyến phiêu
lưu kiểu “Alice ở xứ thần tiên”, trong đó đầy những phù thủy,
ma, linh hồn, những con nhọ lem hai mắt, một cậu bé tốt bụng, một ông có
8 tay làm việc ở lò đun nước nóng, và một dòng sông đáng sợ có cơ thể
bị ô nhiễm hơn mấy thập kỷ.
![]() |
Yêu quái củ cải trắng trong “Spirited Away”. |
Lúc tôi nói chuyện với Miyazaki, 62 tuổi, tôi nhắc ông nhớ rằng hồi
năm 1999 ông nói mình sẽ về hưu. Bây giờ ông lại làm một phim mới. “Tôi muốn nghỉ hưu” ông nói, “nhưng
cuộc sống không dễ dàng thế. Tôi muốn làm một phim cho mấy cô con gái
của bạn bè tôi. Tôi cố mở những ngăn kéo (ý tưởng) trong đầu ra nhưng
chúng đều trống rỗng. Nên tôi nhận thấy rằng mình cần làm một phim cho
những đứa bé 10 tuổi, và ‘Spirited Away’ là câu trả lời.”
Vui nhỉ. Nhiều đạo diễn quảng cáo phim cho trẻ 10 tuổi rồi hô hào
rằng phim đó là dành cho “cả gia đình”. Miyazaki làm một tác phẩm khiến
người lớn phát mê ở Liên hoan Phim Berlin, Telluride, và Toronto; rồi hô
rằng nó dành cho trẻ 10 tuổi.
Qua người phiên dịch, ông nói Lasseter đã “biến thành một cái máy ủi” để dọn đường cho Spirited Away, bảo đảm rằng nó sẽ được chiếu ở Mỹ: “Nếu không có Lasseter, tôi không nghĩ rằng mình có thể ngồi ở đây.”
Miyazaki nghi ngờ máy tính, ông tự vẽ hàng ngàn khung hình bằng tay. “Chúng
tôi vẽ từng thước phim rồi dùng công nghệ kỹ thuật số để làm giàu hình
ảnh, nhưng mọi thứ bắt đầu từ bản vẽ tay. Và chuẩn phối màu thì thể theo
màu của cảnh nền. Chúng tôi không tạo màu trên máy tính. Nếu không đề
ra những chuẩn mực cứng rắn như vậy, chúng tôi sẽ bị cuốn vào cơn lốc
của xu hướng máy tính hóa.”
Ông toét miệng cười, “Đấy là mệnh lệnh tối thượng của nhà chỉ huy.” Miyazaki chính là nhà chỉ huy.
![]() |
Phác thảo tay của chính Miyazaki cho “Spirited Away” |
![]() |
Phác thảo tay của chính Miyazaki cho “Spirited Away” |
Ông định nghĩa vẽ tay là “2-D” còn vẽ trên máy tính là “3-D.”
“Những gì chúng tôi gọi là 2-D chính là những hình ảnh chúng tôi
vẽ trên giấy để tạo chuyển động và không gian trên mặt giấy đó. 3-D là
khi bạn tạo không gian bên trong máy tính. Tôi nghĩ óc sáng tạo của
người Nhật không hợp với 3-D cho lắm.”
Tôi nói với Miyazaki rằng tôi yêu các “chuyển động miễn phí” trong
phim của ông; trái với việc mỗi chuyển động phải liên quan đến câu
chuyện (như trong các phim khác), trong phim của Miyazaki, đôi lúc nhân
vật chỉ ngồi nghỉ một chút, hoặc thở dài, hoặc nhìn xuống dòng sông đang
chảy, hoặc làm cái gì đấy ngoài lề. (Những hành động này) không phải để
đẩy câu chuyện đi tiếp, mà chỉ để tạo ra một cảm giác về thời gian và
không gian, để (khán giản) cảm nhận được những nhân vật này là ai.
![]() |
Cảnh Chihiro nghỉ ngơi ăn bánh trong “Spirited Away” |
“Chúng tôi có từ cho những cảnh kiểu này trong tiếng Nhật” Ông nói “Nó gọi là ‘ma’. Nghĩa là ‘trống rỗng’. Nó xuất hiện có chủ đích.”
Liệu nó có giống như “từ đệm” dùng để tách vế trong thơ Nhật (thơ Haiku)?
“Tôi không nghĩ nó giống như từ đệm.” Ông vỗ tay 3 hay 4 lần. “Thời
gian nghỉ giữa những tiếng vỗ tay là ‘ma’. Nếu bạn chỉ có cảnh hành
động liền tù tì mà không có không gian để thở, thì (bộ phim) đấy chỉ là
một mớ bận bịu. Nhưng nếu bạn dừng một chút, thì bạn có thể đưa sự căng
thẳng mình gầy dựng trong phim đến một chiều không gian rộng hơn. Nếu
bạn cứ căng thẳng liên tục ở mức 80 độ thì bạn sẽ đơ ra mất.”
Điều ấy giúp giải thích tại sao phim của Miyazaki thu hút hơn và dễ
thấm hơn cái kiểu hành động hớn hở trong rất nhiều phim hoạt hình Mỹ.
Tôi nhờ ông giải thích việc này sâu thêm chút nữa.
“Những nhà làm phim sợ sự tĩnh lặng, nên họ muốn che đậy và đắp vá lên sự tĩnh lặng ấy,” Ông nói. “Họ
lo rằng khán giả sẽ chán, sẽ ra khỏi rạp để mua bắp rang nổ. Nhưng nếu
phim căng thẳng hết 80% thời lượng thì cũng không có nghĩa là con nít sẽ
ban cho bạn sự tập trung của chúng. Cái quan trọng là cảm xúc trong
phim – những thứ bạn không bao giờ rời bỏ khi xem.”
“Những gì bạn bè của tôi và tôi đang tìm cách thực hiện từ những
năm 1970s, là cố hạ cho phim bớt ồn ào một chút; đừng tra tấn con nít
với tiếng ồn. Và đi theo cảm xúc của trẻ con khi làm phim. Nếu bạn trung
thực với các cảm xúc như niềm vui, sự ngạc nhiên, và sự đồng cảm; bạn
không cần phải có cảnh bạo lực hay hành động. Trẻ em sẽ tự nguyện theo
bạn. Đây chính là nguyên tắc của chúng tôi.”
![]() |
Cảnh hai chị em Satsuki và Mei thổi Ocarina trên ngọn cây với Totoro, một cảnh yên bình hiền hòa trong phim “Ông hàng xóm Totoro“. |
Ông thấy rất buồn cười, Miyazaki nói, khi xem nhiều cảnh hoạt hình (dạng đồ họa) trong các phim hành động người đóng như “Spider-Man” (Người Nhện)
“Theo cách nào đó, phim người đóng đang trở thành một phần của
món súp hoạt hình. Hoạt hình đã trở thành một từ gói gọn được quá nhiều
thứ, và phim hoạt hình của tôi chỉ là dấu chấm nhỏ trong một góc. Nhưng
vậy đối với tôi là rất đầy đủ rồi.”
Đối với tôi cũng thế.
Nguồn: soi.com.vn