Home » » Phim của Miyazaki (phần 2)

Phim của Miyazaki (phần 2)

Written By Unknown on Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013 | 06:56

Phim của Miyazaki 

Phim của Miyazaki (phần 2)

(Tiếp theo phần 1)

4. My Neighbour Totoro, 1988 (Ông hàng xóm Totoro)

Dân điện ảnh cho rằng Totoro là siêu phẩm để đời của Miyazaki, kể về một gia đình ở Nhật vào những năm 50s. Bà mẹ của gia đình bị bệnh lao, nên bố và cô chị Satsuki lẫn cô em Mei dọn về quê sống để mẹ tiện chữa bệnh (mẹ của Miyazaki cũng từng bị lao và cả nhà ông cũng về quê giống hai chị em trong phim). Khi ở quê, hai chị em phát hiện ra thần rừng Totoro và những người bạn dễ thương của vị thần nhiều lông êm ái này. Phim vẽ rất chi tiết và tỉ mẩn, nếu bạn xem vào năm 2013 thì bạn vẫn không cảm thấy nó lỗi thời.

Cảnh bé Mei ngủ trên bụng Totoro bự
Cảnh bé Mei ngủ trên bụng Totoro bự
Miyazaki nói về phim: “Tôi không thể làm cái kiểu phim, bạn biết đấy, giết kẻ xấu, sau đó mọi người đều vui vẻ. Thật sự là tôi không làm được. Tôi nghĩ khi trẻ em lớn độ 3-4 tuổi, chúng nên xem Totoro. Đây là một phim rất ngây thơ. Tôi muốn làm một phim mà trong đó có một con ‘quái vật’ sống ngay cạnh nhà bạn, nhưng bạn không thấy nó. Giống như lúc bạn đi rừng, bạn cảm nhận được cái gì đấy lạ. Bạn không biết đó là gì, nhưng bạn cảm được một sự hiện hữu nhất định. Chuyện này thường xuyên xảy đến với tôi.” Miyazaki nói thêm rằng trẻ em nhạy cảm hơn người lớn, nên hai bé trong phim nhìn thấy Totoro, còn người lớn thì không.
Cảnh Mei phát hiện ra con Toro trắng
Cảnh Mei phát hiện ra con Toro trắng
5. Kiki’s delivery service, 1989 (Dịch vụ giao hàng của bé Kiki)
 
Phim này dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhật Eiko Kadono. Phim kể về cô bé phù thủy Kiki; theo đúng truyền thống, những phù thủy 13 tuổi sẽ phải xa nhà đi tìm việc, nên Kiki tự xa bố mẹ để đi tìm cho mình một thành phố và tìm việc làm. Với tài cưỡi chổi, Kiki mở dịch vụ giao hàng tận nhà, rồi quen cậu bạn Tombo. Giống Totoro, phim này không có kẻ xấu và không có xung đột.
Một cảnh trong phim với bé Kiki (thắt nơ đỏ)
Một cảnh trong phim với bé Kiki (thắt nơ đỏ)

Miyazaki nói: “Những nghệ sĩ hoạt hình đang vất vả tìm việc đã truyền cảm hứng cho tôi làm phim này. Công việc không chỉ là để kiếm tiền – ai cũng phải làm việc kiếm tiền rồi. Phim này là về chuyện sống cuộc sống của chính mình: làm thế nào để bạn xác định được bản sắc riêng của mình trong thế giới này. Thời mà  tôi làm Kiki thì đây là điều dân chúng rất quan tâm. Nếu tôi làm phim Kiki vào lúc này, không chừng phim sẽ khác đi. Kiki vẫn là phù thủy, nhưng Tombo (cậu bạn của Kiki) phải thi đậu, học đại học, kiếm việc làm, và tới gặp Kiki rồi nói ‘cho mình hẹn hò với bạn nhé’. Kiki, tôi chắc rằng bé vẫn giao hàng, gặp gỡ người này người nọ, tận hưởng cuộc sống, và có thể trở nên hơi hâm hâm một chút. Nhưng không ai muốn thấy Kiki mở công ty chuyển phát hàng và làm giám đốc. Có lẽ ở Trung Quốc, Kiki sẽ mở một công ty chuyển phát hàng thiệt bự… (cười) Nhưng ở Nhật thì không.”

 6. Porco Rosso, 1992
 
Một cảnh trong Proco Rosso, có anh phi công Marco bị hóa heo (Miyazaki rất thích vẽ heo mỗi khi ký tên)
Một cảnh trong Proco Rosso, có anh phi công Marco bị hóa heo (Miyazaki rất thích vẽ heo mỗi khi ký tên)
Trái với TotoroKiki, những tác phẩm dành cho trẻ em, Porco Rosso lại là phim cho đàn ông trung niên (và cho chính Miyazaki, ông từng nói rằng mình hơi ích kỷ khi làm phim này). Anh Marco Pagott – nhân vật chính của phim – là một phi công ở Croatia vào những năm 20s, nhưng bị nguyền rủa nên biến thành heo. Miyazaki rất yêu máy bay nên lúc đầu ông làm Porco Rosso là cho mình (bố của Miyazaki từng là chủ của hãng máy bay Miyazaki Airplane); ông không nghĩ rằng khán giả sẽ thích nó, vì ông thực hiện bộ phim với tài trợ của hãng hàng không Nhật để họ chiếu cho hành khách trong những chuyến bay dài. Vừa ích kỷ, vừa làm phim để chiều nhà tài trợ, thế nhưng Porco Rosso lại quá tuyệt, đến nỗi Miyazaki tính nghỉ hưu mà không nghỉ được.
Miyazaki nói về bộ phim: “Hãng hàng không Nhật muốn chúng tôi làm một phim để họ chiếu cho hành khách. Lúc đầu thì chúng tôi không muốn làm. Nên tôi nói rằng tôi muốn vẽ cảnh máy bay bắn nhau, và nghĩ rằng khi họ nghe vậy là họ sẽ từ chối, nhưng họ lại bảo ‘bắn nhau cũng được’ (cười). Thực tình, máy bay là sở thích của tôi, và lúc đầu thì tôi tính làm một phim nhẹ nhàng. Nhưng sau đó đất nước Yugoslavia sụp đổ, và căng thẳng nổ ra tại Dubrovnik, Croatia, và những hòn đảo trong phim Porco Rosso. Thế là bỗng dưng đất nước tôi chọn cho phim trở thành nơi chiến tranh ngoài đời thực, nên Porco Rosso trở thành một tác phẩm phức tạp hơn. Đây là một phim khó làm, và tôi rất thất vọng vì mình đã sáng tác cho đối tượng đàn ông trung niên, vì tôi cứ luôn miệng nhắc nhở nhân viên là phải làm phim cho trẻ em, thế rồi cuối cùng tôi đi làm điều ngược lại. Thật may mắn, khi phim chiếu rạp, rất nhiều trẻ em đã đến xem, chính các bé đã cho tôi cơ hội để làm phim tiếp.”
Và cả cảnh máy bay bắn nhau, xem hấp dẫn không kém gì Top Gun.
Và cả cảnh máy bay bắn nhau, xem hấp dẫn không kém gì Top Gun.

7. Princess Mononoke, 1997 (Công chúa Mononoke)

Hãng Ghibli đã đầu tư rất nhiều vào phim Công chúa Mononoke, phim này nặng về đề tài môi trường, vốn là đề tài Miyazaki rất thích. Phim kể lại sự xung đột giữa loài người với tự nhiên, khi các thần rừng chống lại sự phát triển của con người. Vào lúc Mononoke chiếu ở Nhật, nó trở thành phim ăn khách nhất trong lịch sử Nhật Bản, khiến Miyazaki… bối rối không hiểu vì sao.
Một cảnh trong “Công chúa Mononoke”
Một cảnh trong “Công chúa Mononoke”
Miyazaki nói: “Đây là một vụ đánh cược lớn, lúc này tôi làm phim khác hoàn toàn so với thời tôi làm Kiki. Lúc làm Porco Rosso, chiến tranh (ở Yugoslavia) nổ ra, và tôi phát hiện rằng loài người không biết rút kinh nghiệm gì hết. Sau sự việc này, chúng tôi không thể làm những phim như Kiki. Tôi có cảm giác rằng trẻ em được sinh ra nhưng không được phù hộ. Làm sao ta có thể giả vờ với chúng rằng thế giới này rất hạnh phúc?
“Tôi đày đọa nhân viên của mình với phim này. Tôi cũng biết điều đó, nhưng tôi cảm thấy rằng chúng tôi phải thực hiện Mononoke. Lúc làm xong, tôi nghĩ ‘Mình làm cái quái gì thế?’ rồi tôi quyết định ‘Trẻ em không nên xem cái này’ nhưng cuối cùng tôi lại nhận ra ‘Không, trẻ em phải xem Công chúa Mononoke’. Người lớn không hiểu phim, nhưng trẻ em lại hiểu. Và thêm một lần nữa, trẻ em lại giúp tôi (kiếm đủ tiền) để làm phim tiếp theo.

(Xem tiếp phần 3)
Sources: soi.vn